Site icon pagodas.org

Chùa to, chùa nhỏ và lòng thành nơi cửa thiền

Chùa là một công trình kiến trúc được xây dựng với mục đích là thiết chế phục vụ tín ngưỡng.

Các sư, tăng, ni sinh hoạt, tu hành, và giảng pháp ở chùa. Các phật tử, hay người không theo đạo Phật có thể đến chùa để nghe giảng kinh, vãng cảnh, hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo.

Trong chùa còn có tháp… tháp chùa. Tháp dùng để chứa xá lị hoặc đựng kinh, tranh, tượng. Các sư tăng ni ăn chay, quần áo nâu sồng hoặc màu đất hoặc màu vàng, sớm chiều gõ mõ, thắp hương, tụng kinh, niệm Phật.

Họ tránh xa bụi trần, buông bỏ muộn phiền, khổ đau. Một đời bình dị, thanh cao. Chùa với ý nghĩa nguyên thủy hoàn toàn không mang mục đích kinh doanh, mua bán, đổi chác, lợi danh. Chẳng có người nào, không có làng nào xây chùa để kiếm lãi, sinh lời.

Ngày xưa, chùa chiền Việt Nam thường là nhỏ, ngự khiêm tốn ở một làng quê, một nơi rừng xa, một góc phố vắng. “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung lẫn khói mây… Chuông trưa vẳng tiếng người không biết/ Trâu thả sườn non ngủ gốc cây”. Cái tĩnh lặng, an lành khiến Cụ Nguyễn Khuyến phải viết thành thơ “Nhớ chùa Đọi Sơn” thế đấy.

Chùa Việt xưa bao giờ cũng bình dị. To lớn cũng chỉ bề thế như chùa trăm gian ở Chương Mỹ – Hà Nội; ở Nam Sách – Hải Dương, ở Từ Sơn – Bắc Ninh… thì cái tên lại rất bình dị… Chùa Trăm gian. Chùa với những nét thâm u mái ngói phong rêu, đầu đao cổ kính, tháp chùa, tượng Phật uy nghiêm mà hiền hòa với thiên nhiên…, và tiếng chuông chùa dễ lay động lòng người.

“Nghe chuông phiền não tan mây khói/ Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười/ Hơi thở nương chuông về chánh niệm/ Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết kệ chuông như vậy. Còn Hòa thượng Huyền Không Thích Mãn Giác ví: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Bao nhiêu cô bé, cậu bé lớn lên cùng mái chùa trầm mặc, tiếng chuông chùa ngân nga khi sáng sớm, lúc chiều tà, mà trở thành tao nhân mặc khách, anh hùng, nhà khoa học, tướng sĩ, hoặc chỉ là người lao động bình thường với tấm lòng cao cả.

Bây giờ thì, trời ơi! Chùa Việt xây mới đã đi khỏi “đường bay dân tộc”. Không biết từ đâu, chẳng biết từ lúc nào xuất hiện khái niệm du lịch văn hóa tâm linh? Định nghĩa về văn hóa còn hơn hai trăm khái niệm khác nhau, thì tâm linh vốn một thời cấm đoán kỳ thị, mấy ai hiểu thấu? Vậy mà… tràn lan vô lối. Du lịch sặc mùi tiền thâm nhập vào đình, đền, chùa, miếu, phủ, di tích, và lễ hội…

Trong các cơ sở tâm linh, thì chùa là nơi biến động nhiều nhất, bị tiền bạc tấn công dữ dội nhất. Chùa xây mới to lớn vật vã. Quy mô hoành tráng, nguy nga. Kiến trúc Tầu hóa. Chỉ thấy chùa mà chẳng thấy hồn chùa đâu. A

i xẻ núi, bạt đồi, đốn cây, phá rừng để xây chùa khổng lồ trên không gian hàng trăm, hàng ngàn ha? Thờ tự, nghi lễ… đâu cần to lớn vật vã như thế?! Đó chính là cơ sở du lịch văn hóa tâm linh, mà người ta thường gọi với cái tên mỹ miều ấy.

Đâu rồi “Bầu trời cảnh Bụt/ Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay”. Và còn đâu “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe suối cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng?”… Cảnh đẹp thiền tịnh này cũng chỉ còn trong thơ của thi sĩ Chu Mạnh Trinh hơn thế kỷ trước mà thôi.

Các bạn, và tôi sẽ tìm được ích lợi gì khi đến chùa Bái Đính, chùa Ba Chúc, chùa Ba Vàng…? Chùa khổng lồ. Không gian mênh mông. Các kỉ lục nhất Đông Nam Á… thì hẳn rồi. Nhưng, có tìm thấy Phật không? Có thiền tịnh, an lành không?… lại là câu chuyện khác.

Chùa xây rồi thì phải vận hành, phải hoạt động. Để phục vụ Phật tử, du khách thì hàng quán mọc lên, bãi giữ xe hình thành. Đồ lưu niệm tráng kim, sến súa nơi cửa Phật. Xe ô tô điện chở người hết công xuất. Thuyền bè cũng ngược xuôi. Cỗ máy vận hành không biết mệt. Dĩ nhiên là tiền thu cũng bộn.

Người đi chùa nhét tiền lẻ vào tay Phật, tay các vị La Hán. Chẳng biết đâu là thành tâm kính Phật, đâu là du lịch văn hóa tâm linh, đâu là kinh doanh ở ngay trong chùa? Còn đâu “Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe Kinh” giữa cảnh chùa thời @ xô bồ, huyên náo nữa.

Con người, thiên tạo và cả nhân tạo nữa phải hài hòa, hòa hợp trong môi trường cân bằng sinh thái. Cái nọ không lấn át, đè bẹp, uy hiếp, hủy diệt cái kia, mà phải gần gũi, thân thiện, chung sống hòa bình. Thiên nhiên và xã hội cùng tồn tại, cùng phát triển trong sự cân bằng sinh thái ấy.

Chùa to bao nhiêu thì rừng nhỏ lại bấy nhiêu. Cây xanh tươi dạt dào sức sống bị đốn chặt trơ trụi bao nhiêu thì bê tông cứng ngắc, xám lạnh, vô hồn tràn lan bấy nhiêu. Mỗi ngôi “chùa khủng long” tồn tại như một vết thương đau đớn quằn quại của thiên nhiên xanh. Phật nào ngự ở đấy?

Rõ ràng là những cái chùa xây lên để làm du lịch văn hóa tâm linh không phải là chùa xưa nguyên thủy chức năng tôn giáo thuần túy. Người đến chùa nếu thành tâm kính Phật, nếu tìm kiếm cầu an lành, tĩnh lặng thì làm sao thấy được giữa không gian mênh mông của bê tông, đá xám và các tượng Phật, tượng La Hán khổng lồ… lạnh cứng, vô hồn, và hàng quán bán mua ồn ào, nhốn nháo như chợ.

Đành rằng, trời đổi, đất đổi thì con người cũng đổi. Con người thay đổi thì chùa chiền cũng đổi thay, cập nhật để tồn tại và phát triển hợp thời. Nhưng, bản chất, bản sắc của đạo Phật, của nhà chùa thì bất biến. Ấy là từ bi và trí tuệ. Thay đổi gì thì cũng phải giữ thiện lương, từ bi, hỉ xả, cứu độ chúng sinh, buông bỏ tham sân si, không làm việc ác, sống tử tế, tu tập, giác ngộ để thoát khỏi vô minh.

Tiếc thay, cái sự vô minh của nhiều người như mù sương chẳng bao giờ tan, đến chùa chỉ để thỏa mãn cảm xúc nhất thời. Đi chùa theo phong trào, theo bạn bè. Đi chùa chỉ để… xem chùa, để xem nó to thế nào, nó đẹp như lời đồn thổi ra sao, cũng là một nhu cầu chính đáng.

Nhưng, vãng cảnh, thăm quan, hay lễ Phật mà chen chúc, huyên náo, ầm ào, vạn người đông như kiến cỏ, chỉ thấy nồng nặc hơi người, và mùi mồ hôi, mùi son phấn, thì có khác gì hành xác. Đi chùa lễ Phật, đi chùa cầu an, đi chùa vãng cảnh,… mà vô tình biến chùa thành cái “chợ”, cái “nhà ga”, cái “ổ dịch Covid-19”, thì lợi bất cập hại.

Đã đến lúc đi chùa cũng phải học. Trước hết, xác định đến chùa với mục đích gì, thì sẽ có cách ứng xử, việc làm văn hóa phù hợp với mục đích ấy. Chứ không thể đi chùa một cách thụ động, bản năng, phong trào. Nhưng, đi chùa bằng cách nào thì cũng phải giữ lòng tĩnh lặng, đi trong lặng lẽ, đi trong sự chiêm ngưỡng và vái lạy một cách kính cẩn, hoặc thong dong vãn cảnh.

Một thời ấu trĩ đập phá đình, chùa, đền, phủ với danh nghĩa chống mê tín dị đoan. Bây giờ thì lại đến lúc xây chùa dễ dãi, tràn lan. Ở đâu cũng xây chùa. Chùa nào cũng nguy nga, đồ sộ. Xây chùa to làm du lịch văn hóa tâm linh cũng tốt, nhưng nếu mượn Thần, Phật để mưu lợi, cầu danh thì ý nghĩa văn hóa mất đi, và tâm linh bị lợi dụng.

Dường như, chưa có một ứng xử nào phù hợp, hài hòa giữa văn hóa tâm linh với kinh doanh? Về mặt vĩ mô, cần phải nghiên cứu, tổng kết, chứ không thể cứ thả nổi việc xây chùa, gắn cái mác tâm linh vào rồi… thu tiền, kinh doanh trên sự vô minh của biển người.

Nguồn: nongnghiep.vn
SƯƠNG NGUYỆT MINH
(Kiến thức gia đình số 18)

Exit mobile version