Chùa Huệ Trạch tên nôm là Chùa Dàn

Chùa Huệ Trạch tên chữ là Chùa Huệ Trạch Tự, thuộc thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Tên nôm là Chùa Dàn, nhưng trong làng cũng có 1 chùa Dàn khác thờ Pháp Điện còn gọi là chùa Dàn Câu, Dàn Phương Quan nên chùa Huệ Trạch còn gọi là chùa Dàn Xuân Quan hoặc Chùa Xuân Quan.

Chùa là nơi thờ Pháp Thông Vương Phật, một vị gắn với Tứ Pháp vùng Dâu từ thế kỷ 11, Chùa cũng nơi tìm được tấm bia ” Xá Lợi Tháp Minh” cổ nhất Việt Nam tìm được, khắc năm 601 niên hiệu Nhân Thọ của vua Tùy Văn Đế Dương Kiên cúng dàng cho chùa Thiền Chúng Tự ở Giao Châu.

Chùa không rõ năm khởi dựng nhưng ít nhất có từ đời nhà Lý.

Pháp Thông Vương Phật

Đây là Phật chủ của chùa Huệ Trạch, một hiện tượng tiếp biến văn hóa của tục thờ Tứ Pháp từ thế kỷ thứ 2 sang thế kỷ 11, cũng giao thoa 2 luồng tín ngưỡng quan trọng của Phật giáo Việt Nam là Tứ Pháp và Lý Triều Tam Vị Thánh Tổ.

Pháp Thông Vương Phật vừa được sắc phong chủ quản Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Sét), mặt khác bà lại đệ tử đắc pháp của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng đương thời. Bản thân Từ Đạo Hạnh đại sư cũng là đệ tử của sư Sùng Phạm chùa Pháp Vân (Chùa Dâu) tổ đình Tứ Pháp gần đó.

Đoạn sắp phong cho bà năm Khải Định thứ 9 năm 1924 nhân dịp Tứ Tuần Đại Khánh của Vua viết: ” Sắc Bắc Ninh tỉnh,Thuận Thành Phủ, Siêu Loại Huyện, Khương Tự tổng, Phương Lan Xã, Xuân Lan thôn phong phụng sự Đại Thánh Pháp Thông Vương Phật hộ quốc tý dân, niệm trứ linh ứng, tứ kim chính trực… gia phong Túy Mục Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần “.

Truyền thuyết về Bà theo Đại Thánh Pháp Thông Phật Phả lục của Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Canh Ngọ 1890 viết, xin tóm tắt như sau:

Huyện Siêu Loại có một gia đình họ Nguyễn, đàn ông tên là Thành người bản huyện xã Đại Trạch, vợ là bà Nguyễn Thị Nga, vợ chồng thuận hòa nhưng hơn 20 năm vẫn chưa có con, một hôm tiết tháng 7 trời mát, họ nghĩ về nhân quả nghiệp báo, cám ơn Trời Phật cho được giàu có nhưng lại chưa có được người nối dõi nên muốn đem tiền của ấy đi làm phúc may ra kiếm được mụn con. Từ đó ông bà đi làm phúc, cúng lễ ở các danh lam thắng cảnh, long thành thấu tận trời xanh.

Đến mùa xuân, hai vợ chồng ông đến Động Hương Tích phủ ứng Thiên. Hai vợ chồng thành tâm cúng Phật, đêm đó nằm mơ thấy được dẫn đến một cung điện nguy nga, gặp Ngọc Hoàng thượng đế và ngài sai tiên nữ giáng Kiều đầu thai làm con gái.

Biết là mộng lành, hai vợ chồng lễ tạ, về nhà bà thụ thai sau 12 tháng sinnh ra một bé gái xinh đẹp nhằm ngày 4/12 âm lịchgọi là đệ nhất Nương Tử. Năm 12 tuổi, cha mẹ đều mất Nương Tử về ở với dì ở xã Đại Trạch, năm 14 tuổi được gả chồng Nương tử không nghe, bèn xuống tóc xuất gia ăn chay niệm Phật.

Một ngày nàng nghe danh tiếng thiền sư Từ Đạo Hạnh núi Phật Tích nên ý theo đại sư tu hành, Nương tử vốn biết trước tất cả kinh Phật nên tu hành vài tháng đã biết các tài lạ: hô mưa gọi gió, làm sấm, làm chớp, biến tướng tàng đi, đến đi không ai biết. Thiền sư yêu mến đặt tên là Pháp Thông.

Ngày 15/8 năm đó, Nương Tử tắm rửa sạch sẽ, tụng kinh niệm Phật, đêm thu trăng sáng bỗng có đám mây đen trên đầu hạ xuống, trời đất tối đen mây mưa ầm ầm Nương tử biến mất, năm đó nàng 18 tuổi. Dân làng cảm niệm công đức lấy quần áo nàng đem táng tại chùa, tạc tượng thờ trong chùa gọi là Pháp Thông Phật.Từ đó rất linh ứng nhất là việc cầu mưa gió.

Đời Trần, Ô Mã Nhi chủ tướng quân Nguyên sang xâm lược nước ta, Trần Hưng Đạo sai con là Hưng Hồng Vương cầm quân tiến lên Kinh Bắc đi qua làng Xuân Lan, vương tới chùa cầu nguyện hứa thắng giặc sẽ dâng biểu xin vua sắc phong để tỏ rõ linh ứng. Làm lễ xong, đêm ấy Chùa sáng rực, hương thơm ngào ngạt, vương thấy người tiên nữ áo vàng đến nói Ta là Pháp Thông Vương Phật, Tứ Pháp trưởng, Phong Vũ Chi Thần, nguyện giúp đánh giặc, nói xong nàng biến mất.

Sau quân Nguyên Mông bị thua, Vương về tâu vua, vua phong ngài làm Đại Thánh Pháp Thông Vương Phật Linh ứng.

Lịch sử

  • Năm 601, nhà Tùy, Bia Nhân Thọ Xá Lợi Tháp Minh.
  • Năm 1100 – 1116,nhà Lý, Đức Pháp Thông Vương Phật xuất hiện.
  • Năm 1288 – 1400, nhà Trần, Trần Hưng Hồng xây lại chùa.
  • Năm 1699 nhà Lê, trùng tu chùa.
  • Năm 1826 nhà Nguyễn, đúc chuông.
  • Năm 1992, công nhận di tích lịch sử quốc gia.
  • Năm 2013, Bia Nhân Thọ năm 601 được công nhận Bảo Vật Quốc gia.

Một số thông tin khác tại http://thuanthanh.bacninh.gov.vn/news/-/details/22340/chua-xuan-quan-hue-trach-tu-huyen-thoai-va-lich-su

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *