Chùa Đậu ở Thôn Đông Cốc xã Hà Mãn Huyện Thuận Thành Tỉnh Bắc Ninh có tên chữ là Thành Đạo tự, do ở huyện Thường Tín Hà Nội cũng có 1 ngôi chùa Đậu tên chữ cũng là Thành Đạo Tự, cũng thờ Pháp Vũ nên gọi là chùa Đậu (Bắc Ninh) để phân biệt với nhau.
Lịch sử
Chùa Đậu – Thành Đạo tự được xây dựng từ thế kỷ 2 sau công nguyên đời Bắc Thuộc tại Đô Phủ Luy Lâu của xứ Giao Châu, thời đó Thái thú là Sĩ Nhiếp. Chùa thờ Phật và Pháp vũ tức bà Đậu trong cách gọi dân gian. Đây là chùa thuộc hệ thống các chùa Tứ Pháp vùng Dâu xưa, gắn liền với truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương và bốn tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.

Theo truyền thuyết, khi tạc bốn pho tượng Phật Pháp từ cây Dung Thụ thiêng trôi sông Dâu, tạc đến pho thứ 2 thì trời mưa, nên pho tượng đó đặt tên là Pháp Vũ(Vị Phật, Bồ Tát gia trì bảo hộ về mưa). Pho Pháp Vũ được rước về chùa Đậu Thành Đạo thờ từ đó. Pho tượng nổi tiếng linh thiêng khắp xứ Giao Châu, tiếng đồn sang cả nhà Tấn, nhà Tống bên Trung Quốc.
Năm 1948, quân pháp về đóng bốt tại chùa Đậu nên tượng Pháp Vũ được nhân dân rước tạm sang chùa Dâu để thờ.
Năm 1951, bốt giặc bị phá, chùa cũng bị hủy nên tượng Pháp Vũ ở lại chùa Dâu. Khu đất chùa Đậu cũ được nhà nước xây kho lương thực.
Năm 1968, đất chùa Đậu được cắt từ thôn Đông Cốc sang xã Thanh Khương bên cạnh.
Năm 1997, Thôn Đông Cốc xây lại chùa Thành Đạo bên cạnh đình Đông Cốc, tuy nhiên khu đất này không phải là nền chùa xưa.
Sau đó dân Đông Cốc đã được Sư trụ trì chùa Dâu và hàng tổng Dâu cho rước về chùa mới, tuy nhiên sau khi gửi đơn thì từ đó vẫn chưa được chấp thuận để rước về nên tượng Pháp Vũ vẫn ở lại chùa Dâu vì:
Năm 1962, Chùa Dâu được công nhân di tích lịch sử cấp quốc gia thì tượng Pháp Vũ đã được kê biên thuộc chùa Dâu.

Đức Pháp Vũ
Ngài một trong Tứ Pháp hay Nam Thiên Tứ Thánh, đứng thứ 2 chủ quản về mưa tôn hiệu đầy đủ là:
” ĐẠI THÁNH PHÁP VŨ TÔN PHẬT THƯỢNG ĐẲNG THẦN”.
Tứ Pháp chỉ được đầy đủ ở vùng Dâu và vùng Hưng yên ngoài ra có một vài chùa đơn lẻ khác cũng thờ đủ cả bốn vị.
Trong Tứ Pháp thì Pháp Vân, Pháp Vũ được thờ cúng rộng rãi hơn cả.
Tài liệu về Pháp Vũ gồm có:
Cổ Châu Phật Bản Hạnh
Nam Thiên Tứ Thánh thực lục – cổ thuật bản.
Di Sản
- Tượng Pháp Vũ (thế kỷ 18)
- Tượng và ngai thờ bà hầu cận đức Pháp Vũ
- Sắc phong của Đức Pháp Vũ năm Tự đức thứ 33 (1880), chung với Thành Hoàng Đông Cốc.
- Sắc Phong của Đức Pháp Vũ năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) chung với Thành Hoàng Đông Cốc.
- Sắc Phong của Đức Pháp Vũ năm Duy Tân thứ 3 (1909) chung với Thành Hoàng Đông Cốc.