Chùa Cảm Ứng, tên nôm là chùa Mứng, trước thuộc làng Láng Trung, xã An Lãng, nay thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa, tp Hà Nội. Toạ độ: 21°0’45″N 105°48’37″E, cách Hồ Gươm khoảng 6km về phía tây-nam. Năm 1992 được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Có các xe bus 16, 24, 27 đỗ gần chợ Láng Hạ A, hoặc bus 22, 30, 51 đỗ gần cầu vượt Lê Văn Lương.
Chùa toạ lạc trên một mảnh đất cao ráo, mặt tiền toà Tam bảo nhìn về hướng tây-nam. Nơi đây trước kia có nhiều cây muỗm già, tạo nên một phong cảnh u tịch ven sông Tô Lịch. Nay chùa lọt vào đoạn cuối con ngõ cụt số 538 của đường vành đai Láng. Hai cổng chính, phụ đều quay về hướng đông-nam, bị hai toà cao ốc án ngữ.
Tương truyền sau khi vua Lý Thánh Tông 李聖宗 (1023–1072) cho xây đền Ứng Thiên ở làng bên cạnh (tức là Láng Hạ) thì cũng cho xây chùa Cảm Ứng. Một công chúa con gái của nhà vua về sau đã ra tu tại chùa cho đến khi mất. Như vậy chùa có thể đã ra đời từ cuối thế kỷ 11. Vị trụ trì từ năm 1988 là ni sư Thích Đàm Tuyết.
Chùa được trùng tu nhiều lần, tính riêng từ đời Thành Thái đến Bảo Đại đã có 3 đợt. Trước đây chùa chỉ có ba gian tiền đường và hai gian hậu cung, kết cấu đơn giản theo kiểu chữ “Đinh”. Gần đây chùa được nâng cao thành 2 tầng và mở rộng to hơn nhưng lại bị các cao ốc xung quanh che lấp. Cảnh u tịch cũng không còn vì cổ thụ bị chặt gần hết và nhiều khi có tiếng ồn ào từ hai trường phổ thông ở sát bên cạnh.
Ngôi chùa mới xây tạo cảm giác khá rộng rãi với ba công trình chính: toà Tam bảo, nhà hậu, nhà thờ Mẫu, tất cả đứng chen lẫn giữa nhiều cây xanh và sân nhỏ lát gạch gốm đỏ; ngoài ra còn có một tháp mộ cổ với xá lỵ. Không thấy hồ ao nhưng trên gò đất ở giữa hai ngõ vào từ phía sau tường ngăn có đặt một nhóm tượng của Thích Ca và các đệ tử ngồi dưới tán cổ thụ râm mát, có lẽ để mô tả vườn Lâm-tỳ-ni trong Phật thoại.

Toà Tam bảo trước kia được xây theo kiểu chữ “Đinh” với 3 gian đại điện nằm ngang, 1 gian hậu cung nằm dọc. Trước đại điện có 2 cột trụ vuông cao khoảng 8m. Hiên chùa dài suốt 3 gian. Phần trái của hiên có 7 tấm bia xếp thành hai hàng. Giữa điện là bức hoành phi với 3 chữ Hán lớn: “Cảm Ứng tự”.
Năm 1996 đã khởi công xây lại chính điện theo kiểu chữ “Công”, 2 tầng, cao hơn 15m; tiền đường rộng 5 gian, chồng diêm, mái đao. Diện tích mỗi tầng 400m2. Trong chùa có một toà Cửu Long và 17 pho tượng mới, tạc Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp. Phần trang trí bao gồm 7 bức đại tự, 3 phù điêu, 8 đôi câu đối, 7 gian cửa võng và 8 nhang án.
Ngoài thờ Phật, trong chùa còn thờ quốc sư Từ Đạo Hạnh và mẹ ngài là bà Tăng Thị Loan. Năm 2001 đã xây lại nhà thờ Mẫu, cũng theo lối kiến trúc của chính điện, mỗi tầng rộng gần 300m2. Riêng tầng trên đặt hơn 20 pho tượng: Bồ Tát, các đức Địa Mẫu, Thánh Trần, Thánh Mẫu, Đại vương và các quan chầu Tứ phủ… Trang trí gồm có 6 bức đại tự, 6 đôi câu đối, 8 gian cửa võng và 6 nhang án.
Năm 2003 đã xây lại nhà thờ Tổ, cũng cao 2 tầng, mỗi sàn rộng hơn 200m2. Tầng trên đặt 6 pho tượng sư Tổ với đại tự, đôi câu đối và nhang án.
